Cây Ngưu tất là một vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc của y học cổ truyền, có tác dụng hỗ trợ chống viêm, giảm đau, hỗ trợ trị phong tê thấp, bí tiểu, viêm họng…Hãy cùng tìm hiểu những công dụng tuyệt vời của thảo dược này nhé.
Tìm hiểu về cây Ngưu tất
1. Cây Ngưu tất là gì?
Cây Ngưu tất có tên khác là cỏ xước, cỏ sướt hai răng, hoài ngưu tất. Tên khoa học của Ngưu tất là Achyranthes bidentata Blume., thuộc họ Rau dền (Amaranthaceae).
Ngưu tất là một loại cỏ xước, có thân mảnh, hơi vuông, cao từ 60 – 80 cm, có khi tới 2m. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên, gân lá có màu nâu tía ở mặt trên phiến lá. Cụm hoa mọc thành bông ở kẽ lá hoặc đầu cành, phát triển dài ra và áp sát vào cuống của cụm hoa. Quả có hình bầu dục và chứa có 1 hạt. Rễ chính cây ngưu tất có hình trụ dài và sẽ có nhiều rễ phụ to.
Bộ phận dùng làm thuốc là Rễ của cây ngưu tất, được thu hái vào mùa đông, khi thân cây đã héo, cắt bỏ phần cổ rễ và các rễ con, rửa sạch và đem phơi hoặc sấy khô.
Thành phẩm rễ ngưu tất thu hoạch được có mùi hương đặc biệt, vị hơi ngọt, màu vàng hoặc vàng tro.
Rễ cây ngưu tất có thành phần hóa học như saponin tritecpenoid, polysaccharid, emodin rutin, inokosteron, alkaloids, coumarins, sterol ecdysteron, arginine, đồng, sắt…
2. Những công dụng tuyệt vời của cây Ngưu tất đối với sức khoẻ
Theo y học cổ truyền
- Ngưu tất có vị đắng, chua, tính bình, không độc, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng tiêu viêm, bổ can thận, hoạt huyết, trừ ứ, điều kinh, mạnh gân cơ, lợi tiểu.
- Trong nhân dân, ngưu tất được được sử dụng để điều trị một số bệnh như viêm khớp, đau bụng, kinh nguyệt khó khăn, bế kinh khi kết hợp với đào nhân, tô mộc, hương phụ. Kết hợp với các dược liệu cẩu tích, quế chi, tục đoạn để điều trị các bệnh đau khớp ở chân. Hỗ trợ điều trị nôn ra máu, chảy máu cam, sỏi tiết niệu, viêm bàng quang, tăng huyết áp.
- Lièu dùng hằng ngày là 3-9g dưới dạng thuốc sắc.
- Không dùng cho phụ nữ có thai không.
Theo y học hiện đại
Nghiên cứu trên động vật:
- Ngưu tất có tác dụng làm tăng co bóp tử cung ở mèo đang có thai và làm dịu tử cung ở mèo không có thai.
- Ngưu tất làm dịu sức căng của tử cung ở chuột bạch và thỏ đang có thai hay không có thai.
- Ngưu tất làm co bóp tử cung mạnh ở chó nhưng sau đó dịu lại.
- Ngưu tất làm yếu sức co bóp cơ tim và cơ trơn tá tràng của ếch.
- Ngoài ra, Ngưu tất có tác dụng hạ huyết áp, lợi tiểu tạm thời ở động vật đã được gây mê, kích thích vận động của tử cung động vật ở liều cao.
Rễ ngưu tất
3. Một số bài thuốc điều chữa bệnh từ Ngưu tất
Bài thuốc chữa viêm đa khớp dạng thấp từ ngưu tất
Nguyên liệu: Ngưu tất, đương quy, tang kí sinh, thục địa, bạch thược, phòng phong, tục đoạn, ý dĩ, đảng sâm, độc hoạt, mỗi vị 12 g. Tế tân, cam thảo, mỗi vị 6g. Xuyên khung, quế chi, mỗi vị 8 g.
Thực hiên: Đem các dược liệu trên sắc uống trước khi ăn mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 2 đến 3 tuần. Nếu cần có thể tiếp tục một liệu trình mới tùy theo tình trạng bệnh.
Bài thuốc chữa viêm sưng thấp khớp
Nguyên liệu: 40g ngưu tất, 20g thổ phục linh, 20g cỏ mực, 12g ngải cứu, 12g ké đầu ngựa, 30g hy thiêm.
Thực hiện: Đem các dược liệu trên sắc lấy nước đặc để uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa bí tiểu tiện ở người cao tuổi
Nguyên liệu: Thục địa, ngưu tất, hoài sơn, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Trạch tả, phục linh, đan bì, phụ tử chế, sơn thù, mỗi vị 8g. Nhục quế 4g.
Thực hiện: Đem các dược liệu trên sắc với 400ml nước đến còn khoảng 100ml, chia thành 2 phần uống trong ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau bụng kinh, bế kinh
Nguyên liệu: 12g ngưu tất. 8g cho mỗi vị hương phụ, uất kim, tạo giác thích, đào nhân. 16g ích mẫu.
Thực hiện: Đem tất cả cácc dược liệu trên sắc, chia làm 3 phần uống trước các bữa ăn trong ngày, dùng liên tục sau kỳ kinh trong 14 ngày.
Bài thuốc chữa rong kinh.
Nguyên liệu: 12g cho mỗi vị ngưu tất, bạch truật. 8g cho mỗi vị hương phụ, trần bì, bán hạ, phục linh.
Thực hiện: Đem các dược liệu trên sắc, uống mỗi ngày một thang và dùng trong 3 ngày liên tiếp.
Tóm lại, Cây Ngưu tất là vị thuốc trong y học cổ truyền với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, được sử dụng điều trị một số bệnh hiệu quả tại nhà. Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả, an toàn, người bệnh cần tham khảo hướng dẫn của của chuyên gia y tế trước khi sử dụng Ngưu tất trong phòng và chữa bệnh.
Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Trung cấp Y khoa Pasteur